Cách nhau chưa đầy 3km, làng gốm Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (tỉnh Ninh Thuận) của người Chăm là hai cái tên được nhiều người biết đến, trước cả khi đặt chân tới. Cả hai ngôi làng đều nằm gần quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 10km về hướng nam, rất dễ dàng cho việc tham quan. Saigon Travel xin được giới thiệu về hai làng nghề truyền thống của người Chăm ở Ninh Thuận.
Về Bàu Trúc học làm gốm
Tương truyền, Tổ nghề của gốm Bàu Trúc là ông Poklong Chanh, người từng từ chối chức quan cao trong triều để dạy phụ nữ cách chế tác những đồ dùng nồi niêu, chai lọ, vật dụng trang trí bằng chính đất sét trong làng. Các sản phẩm gốm Bàu Trúc hiện nay vẫn sử dụng loại đất nằm sâu ở triền sông Quao, khiến cho chất lượng đồ gốm của làng không đâu có được.
Đến thăm làng gốm, bạn có thể ghé Nhà trưng bày gốm Bàu Trúc đặt ngay giữa làng, hoặc tìm đến tận các “xưởng gốm nhà làm”. Công phu nhất có lẽ là phần tạo dáng bởi các nghệ nhân nơi đây vẫn làm theo những phương cách lâu đời, tức là thay vì đặt sản phẩm lên bàn xoay cho tiện lợi, họ sẽ đi thành vòng tròn, xoay quanh sản phẩm. Vật mẫu dùng để trang trí cũng giản dị thôi, lúc là vỏ sò, lá cây, có khi họ chỉ dùng tới một cành cây nhỏ để tạo hoa văn. Sau đó, ở phần nung, các nghệ nhân sẽ kết hợp pha màu, ém khói để tạo ra những vệt màu loang tự nhiên, thể hiện rõ nét những gam màu biểu tượng (đỏ nung, xám đen, nâu khói…) của người Chăm.
Hiện nay, làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất còn tồn tại, là một trong những cái tên có trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Dành một buổi đến đây tham quan, trải nghiệm làm gốm và trở về với những món đồ trang trí đậm đà bản sắc, bạn sẽ thêm yêu và gắn bó với vùng đất và sự tài hoa của người dân làng nghề.
Ghé Mỹ Nghiệp dệt thổ cẩm
Từ làng gốm Bàu Trúc, đi thêm 2km nữa là sẽ gặp làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (hay làng Chăm Irahani), nơi gìn giữ và lưu truyền phương thức dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Chăm. Nơi đây hoàn toàn vắng bóng của máy móc công nghiệp bởi nghệ nhân vẫn miệt mài theo sát những kỹ thuật cầu kỳ của người xưa.
Vào thế kỷ XVII, một người phụ nữ tên Ponagar khi đặt chân đến đây và nhận thấy khí hậu nơi này thích hợp trồng bông lấy tơ dệt vải, bà đã truyền nghề cho ông bà Xa ở làng Chaleng (tức làng Mỹ Nghiệp ngày nay). Lần hồi, nghề dệt được chia sẻ rộng rãi và phát triển đến tận bây giờ, thu hút bước chân du khách cả trong và ngoài nước.
Ấn tượng nhất là những bí quyết lành nghề không hề đơn giản, xuất hiện trong tất cả các khâu từ tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải cho đến đánh óng. Chỉ riêng việc chuẩn bị màu nhuộm tơ đã lắm kì công. Để nhuộm màu đen, người nghệ nhân phải dùng lá chum bầu đen ngâm trong bùn non suốt một tuần liền, trong khi đó, màu đỏ được lấy từ cây cánh kiến trong rừng, còn màu xanh thì phải chọn lá, vỏ cây chàm…
Và đó chỉ mới là câu chuyện của màu. Để cho ra một mảnh vải thổ cẩm tinh xảo còn đòi hỏi công sức, sự am tường, thẩm mĩ và đôi bàn tay tỉ mẫn của người nghệ nhân, thuần thục làm theo chỉ dẫn bao đời. Chẳng thế mà những sản phẩm thổ cẩm Mỹ Nghiệp nổi tiếng vang xa, tự hào xứng danh làng dệt thổ cẩm lâu đời nhất Đông Nam Á và có thể dễ dàng nhận dạng qua các biểu tượng hoa văn mang đậm bản sắc dân tộc Chăm: hình quả trám (bingu tamun), hình rồng cách điệu (bingu hăng), hình chân chim (takay wa), hoa văn hột lúa nổ…
Bạn có thể đến thăm làng Mỹ Nghiệp bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng lý tưởng nhất vẫn là hai tháng 9, 10 để kết hợp thăm vườn nho vào mùa thu hoạch và tham gia các lễ hội đặc sắc của người Chăm.
Sẽ là trải nghiệm hấp dẫn về Gốm Bàu Trúc và Dệt Mỹ nghiệp ở Ninh Thuận, hãy để Saigon Travel đồng hành cùng bạn ở trải nghiệm mới này nhé.