Đầm Chuồn bình yên ở Huế

19/10/2021

Huế có một nơi mang vẻ đẹp thơ mộng, bình yên đó chính là Đầm Chuồn. Nơi đây đem lại cảm giác thư thái tuyệt vời cho những ai ghé thăm. Hãy cùng Saigon Travel tìm hiểu thêm về nơi này nhé.

tin tuc bai viet so 119.1

Không chỉ nổi danh bởi hệ thống lăng tẩm, chùa chiền mà ở xứ Huế còn rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên làm say lòng du khách. Nếu bạn đang tìm cho mình một nơi dừng chân, thả hồn vào khung cảnh bình yên ở vùng đất cố đô thì có thể ghé đến Đầm Chuồn ở phá Tam Giang. Tương truyền rằng phá Tam Giang xưa kia không yên bình, thơ mộng như ngày nay mà thường có sóng thần, bởi vậy mới có câu da dao:

“Đường vô xứ Huế quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

Thương em anh cũng muốn vô

Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”

Ngoài tận hưởng vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho Đầm Chuồn, du khách đến đây còn có cơ hội được hòa cùng cuộc sống bình dị của những người dân mộc mạc, thưởng thức những món ăn đậm bản sắc xứ Huế.

Đầm Chuồn ở đâu?

Đầm Chuồn hay còn gọi là đầm Cầu Hai, có diện tích hơn 100ha và là một phần lớn nhất trong hệ thống đầm ở phá Tam Giang – phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Người dân nơi đây gắn bó với cuộc sống sông nước, chủ yếu bằng nghề chài lưới, những chiếc thuyền không chỉ là phương tiện đánh bắt thì còn là nơi cư trú của ngư dân. 

tin tuc bai viet so 119.2

Đến Đầm Chuồn ngoài hòa cùng cuộc sống của người dân vùng biển, du khách còn cảm nhận được không khí trong lành và quang cảnh bình yên của hệ thống đầm phá trải dài xen lẫn với hương vị mặn mòi quen thuộc từ biển cả.

Đầm Chuồn có gì độc đáo?

Quang cảnh yên bình

Khi đến Đầm Chuồn, bạn sẽ được di chuyển bằng đò dạo quanh đầm. Nhiều người mô tả rằng Đầm Chuồn có vẻ đẹp “lay động lòng người”. Mỗi thời khắc trong ngày Đầm Chuồn đều chuyển mình như một dải màu đẹp đẽ, lúc bình minh ló rạng, mặt nước phẳng lặng trở nên lung linh, lấp lánh, ban trưa rực sáng trong nắng, chiều tà lại như được nhuộm sắc đỏ au của hoàng hôn. Thời gian lý tưởng nhất để đến Đầm Chuồn là vào sáng sớm, lúc này bạn sẽ có cơ hội được ngắm những dải nắng phản chiếu qua mặt nước trong xanh mang đến sự huyền ảo hiếm nơi nào có được.     

tin tuc bai viet so 119.3

Đến Đầm Chuồn vào bất cứ lúc nào bạn cũng có thể thấy được khung cảnh thuyền bè neo đậu khắp nơi, nối nhau tạo thành hình ảnh dung dị nhưng đầy bình yên. Vẻ đẹp độc đáo của Đầm Chuồn trở thành điểm nhấn thu hút nhiều nhiếp ảnh gia và khách tham quan đến đây trong thời gian qua.

Tham gia lễ hội rước Tổ làng Chuồn

Nếu có cơ hội ghé thăm Đầm Chuồn vào khoảng tháng 4 đến tháng 8 dương lịch, du khách sẽ được đắm chìm vào không khí rộn ràng của mùa thu hoạch hải sản và tham gia lễ hội rước Tổ làng Chuồn. Tương truyền rằng, trong một ngày sấm sét, có 2 thiên thần với giáp trụ sáng loáng cùng gươm giáo bay từ trên trời xuống cùng nhau đấu chiến trên nò, sáo, dân làng thấy vậy hoảng sợ nhưng chưa dám ra. Một lúc sau, cả hai đều biến mất. Dân làng lập miếu thờ và tin rằng họ đã được hai vị thần bảo trợ. Về sau, lễ rước Tổ làng Chuồn được cho là liên quan đến sự tích này.    

tin tuc bai viet so 119.4   
Lễ hội thường được tổ thức trong 3 ngày, từ 15/7 – 17/7 âm lịch (khoảng tháng 8 dương lịch). Lễ hội nơi đây có những điểm nổi bật so với các nơi khác. Lễ rước cung nghinh ba vị Thành Hoàng thờ ở Miễu giữa đồng (gọi là đồng Miễu) với đủ cờ xí, lỗ bộ, kiệu lọng. Có đến 3 kiệu rước được sắp xếp cách xa nhau, có cả âm nhạc véo von, nhịp nhàng. Ðặc sắc của đám rước là mỗi năm dân làng lại thay đổi linh vật hoặc vật thờ cúng được đan bện, trang trí kỳ công như cá hóa rồng, bộ tam sự gồm lư trầm và hai độc bình. Các nghệ nhân cho rằng việc trang hoàng cho đám rước là công việc linh thiêng nên linh vật và lễ vật được tạo rất kỳ công. Ngoài ra, gần cuối đám rước còn có hái Thài là một tục lễ hiếm có còn sót lại trong các đám rước Thành Hoàng ở Thừa Thiên Huế.

Cuộc sống bình dị của ngư dân

Cuộc sống của người dân nơi đây không hối hả, ồn ã mà rất bình dị, mang nét đặc trưng của xứ Huế. Đến đây, du khách có thể dễ dàng bắt gặp các dụng cụ quen thuộc của làng chài đơn sơ như những chiếc vó hay còn gọi là chắn sáo, vây ví (là dụng cụ được cắm sâu xuống nước với mục đích phân chia như các lô, mỗi ô thuộc quyền sở hữu của từng hộ gia đình và còn để ngư dân nuôi hải sản). Những chiếc chắn sáo nối nhau tạo thành nhiều hình dạng thú vị ở Đầm Chuồn, giúp khung cảnh càng trở nên thơ mộng, thi vị hơn.      

tin tuc bai viet so 119.6
Ấn tượng đối với mỗi du khách khi có cơ hội ghé thăm Đầm Chuồn không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên bình dị mà còn là sự nồng hậu, chất phác từ những người dân địa phương. Người dân ở Đầm Chuồn đa số đều theo nghề chài lưới, họ sẽ bắt đầu công việc từ 18h đến 5h sáng hôm sau, đây cũng là thời điểm mà đầm trở nên đẹp nhất, sinh động với tiếng khua mái chèo đập nước mang cá tôm về. Hải sản sau khi thu hoạch được người dân mang ra chợ bán với mức giá vô cùng hợp lý và luôn tươi ngon. Cảnh người dân bận rộn kéo lưới, người mua kẻ bán tấp nập ở bến đò hay cảnh trẻ con vui đùa đều là những khoảnh khắc bình dị, đẹp đẽ mà bạn không nên bỏ lỡ ở Đầm Chuồn.     

tin tuc bai viet so 119.5
Du khách có thể cùng với ngư dân trải nghiệm đánh bắt, hoặc cũng có thể ở tại nhà chồ trên Đầm Chuồn. Nhà chồ (có kiểu dáng như nhà sàn) là loại nhà được người dân miền sông nước dựng lên trên đầm từ chất liệu bằng tre hoặc chàm, có diện tích khoảng 5m2 để người dân nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt. Du khách khi đến Đầm Chuồn có thể lưu trú qua đêm ngay tại đây để hiểu thêm về cuộc sống của ngư dân. 

Ẩm thực ở Đầm Chuồn

Các loại hải sản tươi ngon đánh bắt được ở Đầm Chuồn tập trung về chợ làng Chuồn. Ở đây có đa dạng các loại hải sản, từ các rô phi, cá kình, cá ong,.. được nuôi trồng và đánh bắt hoàn toàn tự nhiên. Muốn thưởng thức ẩm thực của Đầm Chuồn du khách chỉ cần đến chợ, nơi đây có rất nhiều món ăn được chế biến ngay tại chỗ với mức giá vô cùng rẻ như bánh xèo cá kình, cháo lươn, bánh ép… 

tin tuc bai viet so 119.7

Một trong những đặc sản của Đầm Chuồn mà du khách không thể bỏ lỡ khi có cơ hội ghé thăm đó chính là bánh xèo cá kình. Cá kình được khai thác chính vào giữa tháng 5 đến tháng 8 dương lịch, thường được đánh bắt vào sáng sớm và mang đi chế biến ngay. Khác với món bánh xèo thông thường được làm từ nhân tôm, thịt, bánh xèo nơi đây có nguyên liệu chính là cá kình thịt. Bánh xèo cá kình là món ăn đồng hành từ đời sống của những đứa trẻ cho đến người lớn ở Đầm Chuồn, mang hương vị khác lạ với các loại cá ở nơi khác vì được sống trong môi trường nước lợ, thịt vô cùng chắc và ngọt.

tin tuc bai viet so 119.10

Ẩm thực ở Đầm Chuồn vô cùng đa dạng và tươi ngon, điều đặc điểm là giá cả hợp lý, chỉ từ 10.000VNĐ là bạn đã có thể thưởng thức một món ăn ngon ở chợ. 

tin tuc bai viet so 119.9

Hướng dẫn đường đi đến Đầm Chuồn

Từ trung tâm TP Huế bạn có thể di chuyển bằng xe máy đến Đầm Chuồn, vừa tiện lợi lại vừa có thể ngắm khung cảnh yên bình ở cố đô. Đầm Chuồn cách trung tâm thành phố 13km. Đường đi Đầm Chuồn không quá khó, bạn đi dọc theo hướng Quốc lộ 49B rồi  rẽ về hướng An Tuyền, huyện Phú Vang, đi qua cầu Tư Hiền là đến nơi.

tin tuc bai viet so 119.8

Vẻ đẹp của xứ Huế sẽ trở nên ấn tượng hơn rất nhiều nếu như bạn có cơ hội ghé thăm Đầm Chuồn, tìm hiểu vẻ đẹp sông nước và cuộc sống của ngư dân nơi đây. Nếu muốn tạm xa cuộc sống bộn bề thường ngày, ngắm nhìn những giá trị chân nguyên của cuộc sống hiện nay thì Đầm Chuồn chính là một gợi ý hoàn hảo cho bạn.

02873.038.368
gọi để nhận tư vấn miễn phí