Nằm ngay trung tâm khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nhắc đến Vĩnh Long, hẳn bất kỳ ai cũng có thể liên tưởng đến một vùng sông ngòi kênh rạch chằng chịt, những cánh đồng xanh mướt đậm chất sông nước miệt vườn. Du lịch Vĩnh Long, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác yên bình, thoải mái khi rảo bước qua các khu vườn cây ăn trái trĩu quả. Ngoài tham quan các vườn cây ăn trái, du khách còn có thể đến thăm các làng nghề truyền thống nổi tiếng với các sản phẩm đã có mặt trên thế giới như gốm sứ, dệt chiếu, đan, gạch ngói… Vĩnh Long không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với những sản vật như cây trái, cá tôm mà nơi đây còn có cho những cảnh đẹp khiến lòng người say đắm. Hãy cùng Saigon Travel khám phá các điểm đến mà dân du lịch không nên bỏ qua khi ghé thăm Vĩnh Long.
- Chùa Ông
Tọa lạc trên cung đường Nguyễn Chí Thanh, TP Vĩnh Long, chùa Ông còn được gọi là Hội quán Phúc Kiến, Thất Phủ Miếu hay Vĩnh An Cung. Đây là công trình kiến trúc được xây dựng từ năm 1892-1909 do nhóm thợ tài hoa gồm mười người từ Phúc Kiến sang. Các tượng thờ ở đây đa số bằng gỗ, có một số bằng đồng, gốm sứ. Các cột, kèo, bộ bao lam, câu đối, hoành phi chạm lộng tinh tế, công phu mang nét kiến trúc của người Hoa. Trong những năm gần đây, ngôi chùa cổ trở thành điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ gần xa với mong muốn vừa được cầu bình an, vừa có thể tậu về nhiều tấm ảnh đẹp.
- Chùa Phật Ngọc Xá Lợi
Khi chúng ta đến với vùng đất Vĩnh Long, thì không thể nào quên ghé thăm Chùa Phật Ngọc Xá Lợi. Tọa lạc tại số 287A, ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP. Vĩnh Long là một trong những ngôi chùa thiêng liêng và cổ kính nhất Miền Tây. Chùa được xây dựng từ năm 1970 với diện tích là 1,7ha, do cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trụ trì. Nổi bật giữa ngôi chùa là tượng đài Đức Quán Thế Âm với chiều cao 32m và Bảo tháp cao 45m lộng lẫy uy nghiêm.
- Cù lao An Bình
Cù lao An Bình nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên thuộc huyện Long Hổ, tỉnh Vĩnh Long gồm 4 xã: An Bình, Hòa Ninh, Bình Hòa Phước và Đồng Phú là một trong những điểm dừng chân bạn không thể bỏ qua. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, đến thăm Cù lao An Bình, du khách sẽ được đi thuyền ngắm cảnh sông nước, cây trái miệt vườn, được tự tay hái trái cây ăn tại nhà vườn, thưởng thức các món ăn dân dã địa phương và nghe đờn ca tài tử ngọt ngào, sâu lắng. Qua đó, chúng ta phần nào hiểu được nếp sống, cách sinh hoạt văn hóa của người dân vùng quê sông nước miền Tây.
- Khu du lịch Vinh Sang
Khu du lịch Vinh Sang nằm ở đầu cù lao An Bình, dọc theo bờ sông Cổ Chiên, đối diện cầu Mỹ Thuận. Là một khu vườn thiên nhiên rộng lớn có hệ thống kênh rạch liên thông nhau với đa dạng các loại cây ăn trái. Đây còn là nơi bảo tồn nhiều loài chim, thú quý hiếm và là một khu vui chơi giải trí hấp dẫn với hàng loạt các trò chơi dân gian và hiện đại.
Đến đây du khách có thể mặc quần áo bà ba tham gia vào các hoạt động trò chơi dân gian miệt vườn trên cù lao An Bình như: Bóng chuyền khổng lồ, chiếc vòng kỳ diệu, truy tìm kho báu, đại thánh hái trái, đi dây, cầu khỉ, cầu xe đạp …Điểm nổi bật ở đây còn có một đàn đà điểu Châu Phi với hơn 60 con trưởng thành. Đây là loài chim to lớn nhất thế giới được nuôi dưỡng và phát triển ngay giữa đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Giữa thiên nhiên tươi mát của miền Tây Nam Bộ du khách thoả thích làm “Hugo cưỡi đà điểu ” chạy tung tăng trên bãi cát.
- Nhà cổ Cai Cường
Tọa lạc ở tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (Cù Lao An Bình) nằm bên bờ rạch Cái Muối tấp nập thuyền ghe, Nhà Cổ Cai Cường luôn thu hút đông đảo khách du lịch Miền Tây đến tham quan. Nhà cổ Cai Cường xây dựng từ năm 1885, thuộc sở hữu của gia đình ông Phạm Văn Bổn, một đại địa chủ ở địa phương ngày xưa. Ngôi nhà có kiến trúc mang dáng dấp châu Âu pha lẫn nét Á Đông cổ xưa hài hòa. Đến đây, ngoài việc được chiêm ngưỡng nét đẹp cũ xưa, tìm hiểu về giá trị lịch sử bạn còn tùy thích thả dáng với nhiều góc chụp đẹp, cổ kính.
- Chùa Tiên Châu
Chùa Tiên Châu là một trong những điểm đến đẹp trên cù lao An Bình, được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Để đến được đây, từ thành phố Vĩnh Long, bạn qua phà An Bình, lên bờ đi một đoạn ngắn là đến chùa Tiên Châu. Vào chùa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng nội điện chùa được trang trí đẹp đẽ, trang nhã. Giữa tứ trụ là khánh thờ, bên trong tôn trí pho tượng Phật Di Đà khổng lồ. Đây chắc chắn sẽ là điểm đến cho những ai yêu thích du lịch tâm linh và khám phá những vẻ đẹp hoài cổ.
- Lò gạch
Làng nghề truyền thống làm gốm, nung gạch trải dài hơn 30km nằm nép mình bên dòng Cổ Chiên thơ mộng thuộc thành phố Vĩnh Long, huyện Long Hồ và Mang Thít cũng là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến với miền đất này. Vương quốc đỏ là danh xưng mà dân gian ban tặng cho mảnh đất Vĩnh Long, làng nghề có từ rất lâu đời và là một trong những địa phương có lò gạch, gốm thủ công lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có gần 1000 cơ sở sản xuất gạch nằm chi chít san sát nhưng theo thời gian, vương quốc gạch nung không còn như xưa. Nhưng vẫn còn đọng lại vẻ hoài cổ, rêu phong, tàn tích còn sót lại của thành phố cổ xưa vẫn có sức lôi cuốn hấp dẫn lạ kì.
- Văn Thánh Miếu
Vĩnh Long không chỉ có trái ngọt mà còn là vùng đất địa linh nhân kiệt. Đến Vĩnh Long ngoài theo kiểu du lịch Miền Tây sông nước miệt vườn, du khách sẽ được ghé thăm khu di tích Văn Thánh miếu Vĩnh Long nằm bên bờ sông Long Hồ (thuộc Phường 4- TP Vĩnh Long). Đây là một trong ba văn thánh miếu được xây dựng đầu tiên ở Nam Bộ cùng với Văn Thánh miếu Biên Hòa (thuộc tỉnh Đồng Nai) và Văn Thánh miếu Gia Định (Sài Gòn ngày nay).
Đến đây, du khách sẽ tận hưởng được sự yên bình, mát mẻ, vừa thư giãn tinh thần, vừa chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ xưa, được hiểu thêm về văn hóa, lịch sử dân tộc Việt Nam và tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với các bậc tiền nhân.
- Khu du lịch sinh thái Hoàng Hảo
Khu du lịch sinh thái Hoàng Hảo nằm trên tuyến quốc lộ số 57, cách phà Đình Khao 2 km, thuộc khu vực xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Đây là một khu du lịch sinh thái mới toanh siêu đẹp của tỉnh Vĩnh Long. Nơi đây không chỉ sở hữu khung cảnh xanh tươi mát mẻ đậm chất Miền Tây bầu không khí vô cùng trong lành; mà còn có những căn nhà mini được lợp bằng mái tranh, mái tôn, phía dưới là những bức tường rực rỡ màu sắc rất nổi bật giúp bạn có những bức ảnh ngàn like.
- Khu sinh thái Nhà xưa
Khu sinh thái nhà xưa tọa lạc bên cạnh rạch Ông Me thuộc xã Phước Hậu, Huyện Long Hồ, Vĩnh Long. Ở khu du lịch sinh thái nhà xưa, ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Kim Tiến là công trình được thực hiện công phu đạt đến độ hoàn chỉnh về kết cấu và có quy mô khá lớn trong số nhà gỗ xưa ở Vĩnh Long. Sau khi tham quan nhà cổ bạn có thể lên thuyền di chuyển trên rạch Ông Me thăm thú vườn trái cây của người dân cùng hái những loại trái cây tươi ngon vừa thưởng thức vừa ngắm thiên nhiên của vùng sông nước và mua về làm quà những món quà quê như: cam xoàn, khoai lang, thanh trà, bưởi Năm Roi…
- Cù lao Mây
Cù lao Mây là một cồn lớn nằm trên dòng sông Hậu thuộc 2 xã Phú Thành, Lục Sĩ Thành, thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Cù lao Mây được thừa hưởng nước ngọt và phù sa của dòng Hậu Giang nên nơi đây có những vườn trái cây sum sê quanh năm trở thành điểm du lịch miệt vườn cực hấp dẫn. Đến với Cù Lao Mây, bạn sẽ được tham quan hái các loại quả đặc sản: chôm chôm, nhãn, bưởi… thưởng thức các món ăn dân dã như: Cháo Gà Vườn, gà đá hầm sả hoặc lẩu cá tra nấu trái Bần ăn cùng các loại rau có sẵn, cá lóc nướng trui… Bạn còn có dịp tìm hiểu cuộc sống bình dị của người dân địa phương, hòa mình vào không khí mát mẻ, hái “bần” ven sông và nhớ lại tuổi thơ.
- Chùa Phước Hậu – Vườn kinh bằng đá
Chùa Phước Hậu nằm bên dòng sông Trà Ôn, tọa lạc ở ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đây là ngôi cổ tự tổ đình Phật giáo dòng Lâm Tế, phái Chúc Thánh, đồng thời nổi tiếng với công trình vườn kinh đá độc đáo, có một không hai ở Nam bộ.
Vườn kinh này được xây dựng trong vườn sao rộng trên 4.000m2, do Thượng tọa Thích Phước Cẩn, trụ trì chùa Phước Hậu khởi xướng. Khu vườn này có 500 trang kinh được khắc trên 250 phiến đá. Các phiến đá được sắp xếp bố cục mô phỏng lá bồ đề xòe ra theo tám hướng, tượng trưng Bát chánh đạo. Trung tâm vườn là ngọn núi có bốn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngoài ra còn có một số phiến đá khắc thêm tiếng Anh cạnh tiếng Việt để khách du lịch nước ngoài hiểu được khi đến tham quan và nhiều phiến đá khắc chữ tâm, nhẫn, những lời răn dạy của đạo Phật rất độc đáo
- Chùa Khmer Phù Ly
Chùa Phù Ly tọa lạc tại xã Đông Thành, huyện Bình Minh, Tỉnh Vĩnh Long. Là một ngôi chùa cổ do người Khmer xây dựng nên mang lối kiến trúc rất độc đáo, đặc trưng của văn hóa Khmer, là sự kết hợp của lối kiến trúc Ấn Độ, Thái Lan và cả Camphuchia. Theo ghi chép lại thì chùa Phù Ly được người Khmer xây dựng vào năm 1672. Tính đến nay chùa đã có niên đại gần 350 năm tuổi nhưng vẻ đẹp cổ kính vẫn còn nguyên vẹn đến nay.
Ngôi chùa có khuôn viên khá rộng rãi, trong điện có nhiều hình Phật, bên ngoài có tượng Phật nằm khổng lồ bằng đá rất trang trọng và uy nghiêm. Chùa Phù Ly là nơi linh thiêng ẩn chứa nhiều giai thoại kỳ bí. Nét cổ kính của ngôi chùa được tô điểm bởi những cây sao cổ thụ và những cây thốt nốt trong vườn chùa.
- Chùa Hạnh Phúc Tăng
Chùa Hạnh Phúc Tăng tọa lạc tại ấp Trung Trạch, xã Trung Thành, Huyện Vũng Liêm, Tỉnh Vĩnh Long được xem là biểu tượng văn hóa của người Khmer. Chùa Hạnh Phúc Tăng là ngôi chùa có niên đại lâu nhất trong số các ngôi chùa của người Khmer trên địa phận Vĩnh Long. Theo ghi chép, chùa Hạnh Phúc Tăng được xây dựng vào năm 632, lúc đó đang là thế kỷ thứ VII.
Khuôn viên chùa vô cũng mát mẻ thanh tịnh với những hàng cây cổ thụ to lớn tỏa bóng mát rượi ra xung quanh, bạn sẽ quên ngay cảm giác mệt mỏi và oi bức của mùa hè khi bước vào không gian tĩnh lặng của chùa.
- Cầu Mỹ Thuận
Là cây cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam, cầu Mỹ Thuận gây ấn tượng với du khách mỗi khi đi ngang qua với vẻ đẹp hoành tráng, giữa không gian rộng. Buổi chiều hoàng hôn là thời điểm đẹp nhất để chụp hình ở đây. Ánh nắng len lỏi vào những nhịp cầu sẽ giúp bạn có những bức hình “so deep”, đẹp nhẹ nhàng, mơ màng.
Hành trình về với vùng đất Vĩnh Long luôn để lại nhiều dấu ấn đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là cách sống phóng khoáng, chân tình của người dân địa phương.