Du xuân miền Tây thì không thể nào bỏ qua nền ẩm thực độc đáo của vùng sông nước này rồi. Hãy cùng Saigon Travel nhận dạng các món ăn đặc trưng vùng vào dịp Tết này nhé.
- Bún nước lèo
Bún nước lèo là món ăn thể hiện rõ rệt sự giao thoa văn hóa giữa người Kinh và Khmer. Nước lèo ngọt đậm hòa quyện giữa vị cá lóc và vị mắm sặc, thính, ớt, sả. Trong bát bún lúc nào cũng có đủ tôm, cá lóc và vài lát thịt heo. Bún nước lèo ăn kèm với các loại rau thơm và rau sống miền Tây. Món ăn chống chỉ định với những người không ăn được mắm.
- Cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui là món đặc sản miền tây vô cùng nổi tiếng. Cá lóc bắt lên được rửa sạch rồi xiên que tre, phủ rơm khô nướng. Cá nướng ngon phải được nướng với đủ lượng rơm. Khi rơm vừa tàn thì cá cũng phải vừa chín. Nhiều rơm thì cá khét, ít rơm thì cá bị bở thịt.
Cá lóc nướng trui thịt cá chắc, thơm ngọt, phần da cháy giòn, vui miệng. Cá lóc nướng trui sẽ ăn kèm với các loại rau sống, dưa leo, chuối chát, khế chua. Khi ăn, thực khách cuốn cá vào rau, chấm mắm. Món này người dân hay dùng nhắm rượu.
- Trải nghiệm lẩu mắm khi du xuân Tết miền Tây
Lẩu mắm là món ăn đặc trưng của miền Tây. Lẩu mắm gồm phần nước lẩu nấu từ mắm cá linh và các loại rau đặc trưng miền Tây. Người miền Tây sẽ hái những đọt rau có sẵn trong vườn nhà, quanh ruộng để ăn lẩu. Các loại rau này gồm: bồn bồn, rau nhút, năn bộp, kèo nèo, tai tượng, rau đắng, cần nước,… Trong nồi lẩu mắm còn có các loại cá, tôm theo mùa ở miền Tây.
- Bánh xèo miền Tây
Bánh xèo miền Tây mang nét đặc trưng riêng, không lẫn vào đâu được. Bánh xèo miền Tây vỏ mỏng và giòn rụm, kích thước cũng to nhất trong các loại bánh xèo.
Bánh xèo miền Tây có nhân thịt heo và tôm, đậu xanh, giá. Món bánh xèo độc đáo hơn cả khi chơi sang, cho củ hũ dừa vào nhân. Bảo đảm bạn ăn xong thấy muốn quên lối về. Bánh xèo miền Tây ăn cùng các loại rau sống, rau thơm đặc trưng miền Tây và mắm chua ngọt.
- Trải nghiệm Tết miền Tây đặc sắc – nếm thử đuông dừa
Đuông dừa là một trong những món đặc sản Bến Tre trứ danh. Đuông dừa ăn củ hũ dừa, vị béo ngậy như phô mai trứng. Đuông dừa sau khi làm sạch có thể đem ăn sống, nướng mọi, chiên bơ, hấp xôi. Nếu bạn thấy sợ các thể loại côn trùng thì đừng nên thử qua. Nhưng nếu bạn không ngại ăn sâu bọ thì có thể bạn sẽ bị ghiền lúc nào không hay.
- Bánh tằm Ngan Dừa
Bánh tằm Ngan Dừa được làm từ bột gạo, sợi bánh to hệt con tằm. Món bánh thể hiện sự giao thoa ẩm thực giữa người Kinh và người Hoa. Trong một đĩa bánh sẽ gồm sợi bánh, xíu mại Triều Châu, giá, rau sống, dưa leo cắt nhỏ. Bánh ăn kèm nước cốt dừa và nước mắm tỏi ớt chua ngọt. Khuyến cáo các bạn không ăn được nước cốt dừa không nên thử.
- Ba khía Bạc Liêu
Ba khía là loài động vật sinh sống nhiều ở miền Tây, nhất là ở Bạc Liêu. Ba khía có hình dạng giống con cua, trên mai có ba đường khía. Ba khía có thể được chế biến thành rất nhiều món ngon. Chẳng hạn như rang muối, rang me, luộc nước dừa, nướng mọi,…
Món ba khía được ưa chuộng nhất là mắm ba khía. Mắm ba khía khi ăn sẽ được trộn với tỏi, ớt, mắm, đường, chanh, ăn kèm với rau sống. Món này vô cùng bắt cơm.
- Du xuân Tết miền Tây thưởng thức hủ tiếu Sa Đéc
Món hủ tiếu Sa Đéc là món ăn nổi tiếng không chỉ ở miền Tây mà còn ở Sài Gòn. Nước dùng hủ tiếu được nấu từ xương ống heo, ngọt đậm đà không cần bột ngọt. Sợi hủ tiếu rất dai, mềm vì được làm từ gạo dẻo Đồng Tháp.
Món ăn đơn giản nhưng không mấy ai nấu ra được chuẩn vị, thơm ngon. Nếu ghé Sa Đéc mà không ăn món này thì có thể coi như chưa từng ghé Sa Đéc.
- Bánh tét Long An đậm đà hương vị Tết miền Tây
Bánh tét Long An đặc biệt thơm ngon, mềm, dẻo. Nhân bánh rất đa dạng. Không chỉ có nhân mặn đậu xanh thịt mỡ mà còn có cả nhân chuối, nhân dừa,…
Bánh tét Long An nổi tiếng nhất về độ ngon phải kể đến thị trấn Đức Hòa. Người Đức Hòa khi làm bánh tét chọn nguyên liệu rất kỹ. Gạo nếp phải được lấy ở huyện Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc mới đủ chuẩn làm bánh. Nếu đến Long An, bạn hãy thử qua bánh tét Đức Hòa nhé!
- Cá tai tượng chiên xù
Cá tai tượng to bè, trông giống như tai voi nên có tên là tai tượng. Vây cá khi chiên xù sẽ bung lên vàng ruộm, rất hấp dẫn. Cá tai tượng có thịt ngọt, dai, không ngán.
Món cá tai tượng chiên xù được ăn kèm với các loại rau sống, rau thơm, xoài xanh, dưa leo,… Khi ăn, thực khách sẽ cuốn cá với rau, có thể có bún và chấm nước mắm tỏi ớt.